Tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ đang đòi hỏi lượng cán bộ công tác trong ngành quản lí đô thị (QLĐT) ngày một lớn. Trong khi đó, đào tạo nhân lực trình độ ĐH trong các trường mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu.
QLĐT: Cần có kiến thức liên ngành
Thẩm định hồ sơ, thiết kế, bản vẽ thi công, cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra đường sá, bóng đèn, giải phóng mặt bằng, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường,… là công việc hàng ngày của một chuyên viên ngành quản lý đô thị.
QLĐT là một ngành khoa học tổng hợp, bao gồm các lĩnh vực quy hoạch kiến trúc đô thị; sử dụng đất đai; đầu tư, phát triển nhà và cơ sở hạ tầng công cộng; môi trường đô thị; an ninh; giao thong; trật tự xã hội; cung cấp kiến thức để kiểm soát quá trình tăng trưởng phát triển đô thị…
Làm trong lĩnh vực QLĐT được 12 năm, Anh Nguyễn Lê Hoàng chuyên viên phòng Xây dựng – Đô thị, UBND quận Tây Hồ có ấn tượng khá sâu sắc với công việc của mình: QLĐT cũng là một công việc rất nhạy cảm, va chạm với nhiều người, mà mỗi người lại có nhu cầu lợi ích khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao phải giải quyết được công việc theo đúng pháp luật mà vẫn vừa lòng các bên ở một mức độ nào đó, để người dân không cảm thấy ức chế”.
Cơ hội cho sinh viên từ thực trạng thiếu nhân lực
Hiện nay, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng thì Việt Nam có tổng cộng 729 đô thị các loại. Trong khi đó, tốc độ đô thị hoá đang diễn ra ngày một mạnh mẽ và không có dấu hiệu chậm lại. Lượng đô thị sẽ ngày một tăng dần theo đà phát triển của kinh tế, xã hội.
Tại Đại hội lần thứ 2 của Hiệp hội các Đô thị Việt Nam tổ chức năm 2006, một khảo sát của các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị và QLĐT cho thấy: Trong 49 đô thị tham gia cuộc khảo sát, chỉ có 1 đô thị có đủ cán bộ theo đúng yêu cầu về cơ cấu nhân sự. Trong khi có đến 18 đô thị thiếu cán bộ quản lý ở mức trầm trọng.
Ở nước ta hiện nay, chỉ có ĐH Kiến trúc HN là có riêng một khoa QLĐT, ra đời từ năm 2005 và chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm là 50 SV. Trong khi đó, theo báo cáo tại Đại hội, dự kiến cuả các địa phương về nhu cầu đào tạo đại học chuyên ngành QLĐT ngày một tăng cao.
Từ năm 2008, bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn, ĐHKHXH&NV (TP.HCM) bắt đầu mở và tuyển sinh chuyên ngành Đô thị hoá. PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, trưởng ngành Đô thị hoá của trường, cho biết: “TP.HCM hiện có 24 quận, huyện, hơn 300 phường, xã và trung bình mỗi năm có hơn 500 dự án đô thị được triển khai trên địa bàn thành phố.
Nếu mỗi phường xã, mỗi dự án cần có 1 cán bộ làm công tác quản lí nhà ở, đất đai, môi trường, kĩ thuật hạ tầng,… thì phải mất 10 năm đào tạo chúng tôi mới cung ứng đủ. Đó là chưa kể đến hàng trăm thành phố, thị xã từ Đà Nẵng trở vào đến đồng bằng sông Cửu Long cũng đang "khát" cán bộ QLĐT và quản lí dự án”.
Năm 2008, khoa QLĐT, ĐH Kiến trúc HN được giao chỉ tiêu đào tạo gấp đôi 3 năm trước, từ 50 SV lên 100 SV. Mục đích là đào tạo thêm nguồn nhân lực phục vụ cho ngành này.
Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng, Chủ nhiệm Khoa QLĐT, Trường ĐH Kiến trúc HN thì: “Các cơ quan cho biết họ sẵn sàng nhận những SV mới tốt nghiệp chuyên ngành này nếu đáp ứng được yêu cầu công việc. Năm 2006, Viện Quy hoạch xây dựng thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM do thiếu cán bộ chuyên ngành QLĐT đã đề nghị chúng tôi giới thiệu cho họ một số cán bộ hoặc SV tốt nghiệp ngành này”.
“Đầu vào” không “gay cấn”
Sau 3 năm tuyển sinh chuyên ngành QLĐT của ĐH Kiến trúc, PGS. TS. KTS Nguyễn Tố Lăng nhận định: “Đầu vào của chuyên ngành này không “gay cấn” như các ngành khác. Bởi SV thi vào đây chỉ cần qua mức điểm sàn của trường thì sẽ được phân khoa theo nguyện vọng và mức điểm thi đạt được. Những ai đủ điểm mà đăng kí vào ngành này ngay từ đầu thì đương nhiên sẽ được vào”.
Ông Lăng cho biết thêm: “Trong Trường ĐH Kiến trúc, ngành QLĐT lấy điểm chuẩn chỉ ở mức trung bình so với các ngành đào tạo khác. Tuy nhiên Cái khó của SV học QLĐT là vừa phải học quản lí kiến trúc lẫn quản lí quy hoạch nên lượng kiến thức sẽ nặng hơn. Mặt khác, QLĐT là lĩnh vực liên quan nhiều đến các văn bản pháp luật, các quy định, nghị định. Pháp luật là công cụ để quản lí xã hội nói chung, QLĐT nói riêng”.
Sinh viên được học các kiến thức cơ bản về quy hoạch, kiến trúc, bất động sản, cung cấp nước sạch, thoát nước, môi trường,.. Ra trường, SV có thể công tác tại các Phòng Xây dựng – đô thị, Sở Địa chính, BQL các dự án, Sở Quy hoạch - kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường.
Ở phía Bắc, tính đến nay chỉ có ĐH Kiến Trúc HN đào tạo chuyên ngành về QLĐT. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008 là 100 SV. Điểm chuẩn 3 năm trước đây lần lượt như sau: Năm 2005: 23.5 điểm; năm 2006: 22 điểm; năm 2007: 17 điểm. Thí sinh dự thi khối A.
Tại Phía Nam có chuyên ngành Đô thị hoá của trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2008. Chỉ tiêu tuyển sinh là 70 SV. Thí sinh dự thi khối A và D1.
Vietnamnet