QUẢNG CÁO ĐẦU TRANG

Collapse

Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tìm tiêu chí cho "chất lượng" nhà cao tầng

Collapse
X
 
  • Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tìm tiêu chí cho "chất lượng" nhà cao tầng

    Tìm tiêu chí cho "chất lượng" nhà cao tầng




    Những ngôi nhà cao tầng tại khu
    đô thị mới Định Công (Hà Nội) giải
    quyết tốt nhu cầu về nhà ở cho
    người dân.

    "Chất lượng nhà cao tầng" đang là vấn đề nóng, nó trở thành vấn đề xã hội được đông đảo dân cư ở các đô thị lớn quan tâm. Đã có nhiều lời cảnh báo về chất lượng nhà cao tầng, nhưng đi tìm bản chất để có công trình nhà cao tầng đạt chất lượng thì chưa có một tiêu chí nào cụ thể. Ngày 21 và 22.5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng, Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng VN, TCty XD Hà Nội và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã họp bàn về "Chất lượng và công nghệ xây dựng nhà cao tầng".

    Đi tìm tiêu chí "An toàn và bền vững"

    Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học, các nhà xây dựng có cuộc bàn thảo kỹ lưỡng về vấn đề này. GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) xây dựng VN đã kể lại kỷ niệm về ngôi nhà cao tầng (11 tầng) đầu tiên tại Hà Nội từ cuối thập kỷ 70 do ông phụ trách, cùng các silo cao 50 mét của Nhà máy ximăng Hoàng Thạch. Các công trình ấy đều bị nghiêng lệch phần trên do thợ xây dựng VN còn thiếu kinh nghiệm trong thiết kế, thi công xây lắp dạng công trình có chiều cao lớn, sau này phải khắc phục. Sang thập kỷ 90 đã có thêm một số công trình khách sạn, văn phòng cho thuê, chung cư từ 9 đến 33 tầng được xây dựng với sự giúp đỡ của các nhà tư vấn và thi công nước ngoài. Giai đoạn này, ở Hà Nội có khoảng 88 công trình cao tầng và TPHCM có 113 công trình. Ba năm vừa qua, các nhà thầu VN đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng nhà cao tầng ở các đô thị lớn như Linh Đàm, Định Công, Làng Quốc tế Thăng Long, Trung Hoà, Nhân Chính v.v... tạo nên một diện mạo mới cho thủ đô Hà Nội. Các đô thị Hạ Long - Quảng Ninh, Vinh - Nghệ An, TPHCM cũng ngày càng nhiều các công trình cao tầng. Tuy nhiên, vấn đề "chất lượng" vẫn là nỗi canh cánh của mọi người. GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ Xây dựng nói rằng: Chất lượng chính là thiết kế, là vật liệu để xây dựng. Công trình cao tầng phải được nhìn nhận theo quan điểm "an toàn" và "bền vững". Theo ông, quá trình xây dựng nhà cao tầng hiện nay tồn tại nhiều vấn đề bất cập ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công và quản lý vận hành. "Mặc dù các nhà xây dựng VN đã tiếp thu được những phương pháp thiết kế kiến trúc, thi công, công nghệ xây dựng hiện đại, nhưng năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng nhà cao tầng của chúng ta đang ở mức trung bình thấp với khu vực và thế giới".

    Vẫn còn nhiều bất cập

    Tốc độ đô thị hoá diễn ra sôi động, đa dạng, những toà nhà cao tầng là cứu cánh về chỗ làm việc, chỗ ở cho số đông người.

    Những công trình cao tầng có tải trọng lớn, vốn đầu tư nhiều ấy càng cần chú ý đặc biệt về chất lượng. Hiệu quả kinh tế xã hội của công trình chỉ là một phần trong các tiêu chí kinh tế về chất lượng công trình, nhưng nó mang tính xã hội hoá cao, nên tập trung được sự quan tâm của nhiều người. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, PGS. TSKH Nguyễn Văn Liên nói rằng: "Bên cạnh các dự án chung cư cao tầng đáp ứng nhanh nhu cầu về nhà ở, làm đẹp bộ mặt đô thị thì một số vấn đề bất cập cũng đã bộc lộ trong tất cả các bước thực hiện dự án từ thiết kế, thi công đến quản lý, khai thác sử dụng cần được tiếp tục nghiên cứu để bổ sung hoàn chỉnh". KTS Ngô Huy Giao trăn trở về nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, nhà cho người "không có nhà ở" với nhà cho người có thu nhập cao. GS.TS Ngô Thế Phong (Đại học Xây dựng HN) nói rằng: "Trong điều kiện của VN hiện nay, đánh giá chất lượng của ngôi nhà cao tầng càng khó vì chúng ta đang thiếu rất nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế, thi công, chúng ta cũng thiếu nhiều kinh nghiệm về quản lý và sử dụng". PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục (Trường Đại học Kiến trúc HN) đã nêu 13 điểm thiếu hợp lý về thực trạng thiết kế xây dựng nhà cao tầng ở VN giai đoạn hiện nay. Đó là sự lựa chọn địa điểm không hợp lý (ví dụ khu Kim Liên); thiếu sự chuyển tiếp hợp lý giữa nhà cao tầng và các công trình xung quanh như Meliá, Tower, nhà văn phòng Quang Trung ở Hà Nội, Caravelle Hotel, Saigon Tower, Diamond Plaza ở TPHCM...; Các khu đô thị mới đều kém linh hoạt trong tổ chức mặt bằng; các hệ thống kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức; Không đảm bảo tiêu chí an toàn phòng hoả và thoát người v.v... PGS.TS Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Bộ XD cho hay: Để công trình bền vững, an toàn, đủ tiện nghi đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tăng cường quản lý, giám sát chất lượng trong quá trình xây dựng nhà chung cư cao tầng.

    Điều khẳng định ấy khiến chúng ta có thể hy vọng vào những khu chung cư cao tầng an toàn và bền vững trong tương lai.

  • #2
    Sẽ có "Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà cao tầng"?

    Sẽ có "Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà cao tầng"?



    Mô hình xây dựng nhà cao tầng (NCT) đang rất phát triển ở các đô thị nước ta. Quản lý, đánh giá chất lượng các NCT này như thế nào là một vấn đề mới được người dân rất quan tâm. Phóng viên Báo Lao Động đã phỏng vấn ông Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) về vấn đề này.

    - Thưa ông, vẫn có ý kiến cho rằng việc đánh giá chất lượng NCT đang bị buông lỏng. Ông bình luận gì về ý kiến này?

    - Tôi không nghĩ như vậy. NCT, cũng như bất kỳ công trình xây dựng nào trên đất nước VN, đều phải thực hiện nghiêm ngặt trình tự quản lý chất lượng theo Quyết định số 17/2000 của Bộ XD hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý đầu tư xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ - CP ngày 8.7.1999 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ XD cũng đã có Chỉ thị số 06/2002/CT-BXD ngày 5.11.2002 về việc tăng cường quản lý chất lượng các công trình NCT. Như vậy, không thể nói là việc quản lý chất lượng NCT bị buông lỏng được. Trên thực tế, những công trình NCT được xây dựng gần đây không có vấn đề gì lớn về độ bền. Những khiếm khuyết (nếu có) chủ yếu chỉ liên quan đến công tác hoàn thiện.

    [I]- Hiện nay, theo quy định thì các chủ đầu tư (CĐT) phải tự tổ chức công tác giám sát quản lý chất lượng. Như vậy liệu có khách quan không?[/I]- CĐT

    - đặc biệt là CĐT các dự án phát triển khu đô thị mới - thường rất gắn bó với toàn bộ dự án. Họ không xây xong rồi chuyển cho người khác quản lý mà tự quản lý thông qua các công ty dịch vụ. Nếu chất lượng không tốt, căn hộ sẽ không bán được. Vì vậy, tôi nghĩ là họ nhận thức rõ trách nhiệm chính của họ về chất lượng NCT. Trong trường hợp các CĐT không có những tổ chức tư vấn giám sát có năng lực thì phải thuê các đơn vị tư vấn giám sát độc lập thực hiện. Các đơn vị này phải có trách nhiệm đưa ra đánh giá về chất lượng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những đánh giá của mình.

    - Nhưng dư luận vẫn băn khoăn về cái gọi là tính độc lập khi mà trong nhiều trường hợp, các công ty tư vấn giám sát vẫn cùng cơ quan chủ quản với nhà thầu, tư vấn thiết kế?

    - Để tránh những băn khoăn kiểu này thì phải có kiểm tra chéo, hoặc buộc thuê công ty độc lập thứ ba. Một số công ty cũng đang đề nghị cho phép áp dụng mô hình giấy chứng nhận giám định chất lượng. Nhưng quan trọng hơn cả là Nhà nước phải sớm ban hành Tiêu chí về đánh giá chất lượng NCT. Hiện nay Bộ XD đang nghiên cứu soạn thảo bản tiêu chí này (do GS-TS Ngô Thế Phong - ĐH XD HN) chủ trì. Trong tiêu chí sẽ có những barem rất cụ thể để đánh giá phần thi công, phần hoàn thiện, phần thiết bị... Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành và đưa bản tiêu chí này vào áp dụng trong thời gian sớm nhất.

    - Xin cảm ơn ông.
    Lưu Quang Định thực hiện

    Ghi chú

    Working...
    X