QUẢNG CÁO ĐẦU TRANG

Collapse

Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tượng đài chiến thắng Điện biên phủ

Collapse
X
 
  • Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tượng đài chiến thắng Điện biên phủ

    Công trình Tượng đài Chiến thắng Điện biên Phủ
    28/02/2005 11:42


    Mặt phía tây công trình TĐCTĐBP

    Rạng sáng 12.7.2004, TP Điện Biên (tỉnh Điện Biên) chợt bị thúc dậy bởi những tiếng đổ vỡ như thể động đất, tiếp theo là những tiếng sụp đổ rầm rầm do đoạn tường phía tây nam công trình tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (TĐCTĐBP) bất ngờ sập xuống; cuốn theo bồn hoa, dây điện, lan can và cả một đầu đường dành cho xe... Rồi từ đó, công cuộc sửa chữa lại công trình này bắt đầu, với 4 tỉ đồng ngân sách bổ sung và yêu cầu thời hạn phải xong trước ngày kỷ niệm 7.5.2005.

    7.5.2005 vẫn là một thách thức
    Cho tới cuối tháng 7.2004, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4479/VPCP - VX, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, yêu cầu: "UBND tỉnh Điện Biên chủ trì phối hợp với Bộ VH-TT, Bộ KHĐT, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, chỉ đạo kiểm điểm làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân để xảy ra sai sót đối với công trình TĐCTĐBP và bà Võ Thị Hồng - GĐ Cty Mỹ thuật trung ương - buộc phải thú nhận trên báo Điện Biên Phủ "Ai ngờ mới được vài tháng đã ra nông nỗi này".

    Nhưng, kết quả kiểm điểm thế nào và làm rõ tới đâu vẫn là chuyện rất ít người được biết. Chỉ biết, những ngày này, một lần nữa công trình TĐCTĐBP lại trở về với nguyên dạng là một công trường kiểu "đan đi không tày giặm lại". Sau công văn nói trên, việc khảo sát thiết kế lại công trình được tiến hành và nghe nói cũng như lần trước, công việc vẫn được thực hiện bởi toàn những chuyên gia đứng đầu các ngành kỹ thuật xây dựng ở trung ương. Toàn bộ mặt sân gần 3.000m2 đã bị bóc ra.

    Hiện nay, phần tường bao xung quanh được đơn vị thi công phá bỏ đến 90%. Trước đó, 7 đoạn tường đá (K1 - K2 - K3 - K3'- K5 - K5' - K6) có chiều cao 5-7m, tổng chiều dài khoảng 235m xuất hiện nhiều vết nứt, lún chân chim theo hướng chia cắt mặt bằng công trình; nhiều chỗ vết nứt đút lọt thỏm cả bàn chân người lớn và sâu hun hút xuống lòng đất. Hầu hết hệ thống kè đều đã ngả ra ngoài, độ nghiêng so với ban đầu chênh nhau trung bình 10cm. Một số đoạn kè, đơn vị thi công phải phá dỡ chỉ sau lễ khánh thành khoảng hơn 2 tháng, để đảm bảo an toàn tính mạng cho khách tham quan. Trên mặt sân hành lễ xung quanh chân tượng, có chỗ lún võng tới nửa mét, tạo thành những vũng nước tù đọng bẩn thỉu sau mỗi trận mưa.

    Được biết để khắc phục những hư hỏng nói trên, đơn vị tư vấn thiết kế đã tìm ra được giải pháp kỹ thuật thích hợp. Tuy vậy, vấn đề độ bền công trình liệu có xứng tầm "công trình thế kỷ" hay không, đó vẫn là câu chuyện dài tập mà không ai dám nói trước điều gì. Hiện trên công trường, các loại cần cẩu, máy ủi, máy xúc, máy lu đang hối hả làm việc; 700 cột bêtông cốt thép cùng các loại sỏi đá chất ngổn ngang. Xung quanh tượng đài, hướng hình tượng anh bộ đội phất cờ và hướng anh bộ đội bồng súng, đất nền đã đào vào rất sâu, có chỗ trật cả thành móng bệ tượng ra ngoài. Những đoạn tường phá bỏ vất lăn lóc dưới chân đồi.

    Được biết, việc sửa chữa công trình TĐCTĐBP dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 7.5.2005. Bây giờ đã cuối tháng 2, tức chỉ hơn 2 tháng nữa là đến hạn. Trong khi đó, ở công trình, ngoài phần tượng ra, phần xây lắp gần như làm lại từ đầu, nhưng hiện giờ cũng mới đóng được vài chục cái cọc mà mùa mưa Tây Bắc đang gần kề. Nếu cứ thi công lấy được và khánh thành lấy được kiểu này, thì sợ rằng công trình còn phải tiếp tục phá ra làm lại vào những lần khác nữa. Xin đừng vội quên bài học "xây cho kịp ngày kỷ niệm" vừa qua - một bài học không chỉ trả giá bằng 4 tỉ đồng, mà còn bằng cả sự tổn hại uy tín và danh dự của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đơn vị và nhiều cá nhân liên quan.

    Nỗi lo tượng đồng
    Một vấn đề khác cũng đang được dư luận quan tâm. Đó là chất lượng pho tượng, nói cho rõ hơn là chất lượng loại đồng dùng để đúc nên pho tượng. Còn nhớ dạo tháng 3.2004, lúc pho tượng đang ở giai đoạn lắp ghép từng thớt, tôi đã nhiều lần lên xem và có ít nhất một buổi làm việc với ông Nguyễn Trọng Hạnh - Quản đốc Xưởng đúc kim loại màu Yên Tiến (ý Yên - Nam Định), đơn vị đảm nhận việc đúc đồng TĐCTĐBP.

    Băng ghi âm cuộc trao đổi sáng 10.3.2004 hiện tôi vẫn giữ, theo đó, ông Hạnh cho biết: "Giá đồng chúng tôi mua là 25 nghìn, 26 nghìn, 28 nghìn, 32 nghìn, 35 nghìn đồng/kg". Tôi hỏi: "Anh mua đồng ở đâu mà được nhiều thế?". Ông Hạnh trả lời: "Chúng tôi mua bằng nhiều nguồn: Đồng thanh lý trong các thiết bị máy, đồng ở các dây điện cáp quá hạn sử dụng, đồng trong các tàu biển cũ của nước ngoài người ta nhập về rồi phá lấy các đường ống, cả đồng thỏi nhập từ Nga. Hàm lượng đồng của chúng tôi từ 91,2% Cu đến 92,7% Cu, trong khi theo tiêu chuẩn từ 83% Cu đã gọi là đồng đỏ (đồng tốt) rồi".

    Thiết nghĩ, với nguồn nguyên liệu "tạp nham" như vậy, hèn chi mà riêng lượng đồng dùng để vá víu đã hết 3 tấn, còn pho tượng dựng lên chỉ mấy ngày sau đã loang lổ vết gỉ. Một khách du lịch hài hước bảo: "Không lẽ anh bộ đội thời chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc xung trận lại mặc áo trấn thủ nền vàng hoa xanh?". Từ đó, cứ vài tháng, đơn vị thi công lại cho người lên cạo gỉ và hãm màu cho tượng, gọi là bảo hành 1 năm theo hợp đồng. Tuy nhiên, các vết gỉ từ trong phá ra, nguyên nhân do lớp cốt thép ăn xuyên qua những chỗ đồng vừa mỏng vừa phẩm cấp thấp. Vậy thì, việc kỳ cọ bên ngoài chỉ là động tác làm đẹp nhất thời và hoàn toàn giả tạo mà thôi. Với thực trạng này, có lần, ông N.Q.T - Đại biểu HĐND tỉnh Điên Biên khoá XII - đã bức xúc nói: "Chỉ bằng mắt thường và chỉ cần trình độ giáo viên cấp III bộ môn hoá học của tôi thôi cũng đủ thấy còn lâu bức tượng mới là đồng đỏ. Đồng đỏ nào lại xám ngoen, xám ngoét như thế?".

    TĐCTĐBP có kinh phí ban đầu 47,6 tỉ đồng, giờ bổ sung 4 tỉ nữa, vị chi xấp xỉ 52 tỉ đồng, chiếm 1/4 nguồn vốn của toàn bộ dự án trùng tu tôn tạo di tích ĐBP (giai đoạn I). Có thể nói, đây chính là cơ hội cuối cùng để công trình TĐCTĐBP mãi bền vững?

    Theo LĐ
Working...
X