QUẢNG CÁO ĐẦU TRANG

Collapse

Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chung cư cũ nát ở Hà Nội SOS!

Collapse
X
 
  • Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chung cư cũ nát ở Hà Nội SOS!

    Chung cư cũ nát ở Hà Nội SOS!
    (22-03-2005) (SGGP)

    Cửa không khóa được vì bản lề đã bị đẩy cách xa tường, những bức tường nghiêng như... tháp Pisa bên nước Ý, nhà 5 tầng mà nom như... 4 tầng vì tầng 1 đã bị lún gần hết... Đó là chuyện đang diễn ra ở dãy khu tập thể nhà C1 Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội), nơi cư trú của gần 500 nhân khẩu...

    Những khu nhà “đặc biệt nguy hiểm”

    Ông Nguyễn Đức Ý, tổ trưởng tổ 103 C1, người có 20 năm “thâm niên” sống tại C1 Thành Công cho biết: “Khu nhà C1 được xây dựng từ những năm 70, chưa phải là loại “có tuổi” nhất trong các chung cư ở Hà Nội, nhưng đã sớm có “vấn đề”. Khoảng 4- 5 năm sau khi xây dựng xong, nhà bắt đầu lún và mức độ lún ngày càng nhiều.

    Tầng 1 hiện nay chỉ còn cao khoảng 1m (so với 2,7m lúc mới xây dựng). Ngoài ra, tường nứt, các thanh giằng long lở, thực sự đe dọa đến tính mạng của người dân”. Ông nói, vấn đề đã được phản ánh đến chính quyền sở tại và công luận nhiều lần, nhưng vẫn chưa được quan tâm thích đáng.




    Tại dãy tập thể nhà C1 Thành Công, tầng trệt của dãy nhà đang dần bị nền đất “nuốt chửng”.

    Tuy nhiên, đây chỉ là 1 trong 30 chung cư cũ nát của phường Thành Công, quận Ba Đình và nếu nói rộng ra là hơn 460 chung cư với tổng diện tích sàn gần 1 triệu mét vuông trong 23 khu tập thể từ 4 - 6 tầng của Hà Nội đang chờ được cải tạo, sửa chữa gấp.

    Trong số này có những khu được xếp vào loại “đặc biệt nguy hiểm” như các khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Vĩnh Hồ (quận Đống Đa), Phương Mai (quận Đống Đa)...

    “Cao tầng” đã vậy, “thấp tầng” cũng khốn khổ chẳng kém. Tôi thật sự ân hận khi đi giày cao gót vào khu nhà số 19 tổ 23, cụm 3, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), nguyên là khu tập thể Bộ Nội thương (cũ). Được xây dựng xong từ cuối năm 1958, đầu năm 1959, khu nhà được trịnh trọng bàn giao để bố trí chỗ ở cho cán bộ.

    Gần nửa thế kỷ đi qua, mãi đến cuối năm 2004, nó mới được sửa chữa một cách chắp vá, tạm bợ: cầu thang gỗ được “nối” thêm một đoạn bằng xi măng, vài thanh trụ gỗ được thay mới, nhưng ngói vẫn “nguyên thủy”, lỗ chỗ những mảnh trời.

    Bà Trần Thị Lấm cho biết, gia đình bà có 4 khẩu, diện tích ở vỏn vẹn 5m2. “Gặp khi nước lụt, có khi ngập cao lên đến 1,2m, hàng chục ngày sau mới rút. Cả nhà ngủ trên gác xép, ngập cao quá thì đi ở nhờ. Nhưng mùa này cũng chẳng hơn gì: nơm nớp lo cháy. Gỗ mục này mà gặp bếp than tổ ong thì…”. Nói đến đó, giọng bà như nghẹn lại!

    Đáng chú ý là 23 khu tập thể nói trên đang là nơi sinh sống của 23.000 hộ dân (khoảng 187.000 nhân khẩu). Ngoài ra, thành phố còn có 10 khu tập thể thấp tầng (dưới 4 tầng) có tổng diện tích sàn 750.000m2 tại các khu Lương Yên, Thúy Ái, Mai Hương, Tân Mai... cũng thuộc diện “nhà nguy hiểm”, chưa kể nhiều điểm nhỏ lẻ trong các khu phố cũ, phố cổ. Nếu kể cả số nhà này thì tổng số cư dân của Hà Nội đang phải cư trú trong những khu nhà chung cư cũ nát lên đến hơn 300.000 người.

    Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường và Nhà đất Hà Nội cho biết, kinh phí để cải tạo quỹ chung cư cũ ước lên tới hàng nghìn tỷ đồng. “Dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ (diện tích mặt bằng vỏn vẹn 59.000m2) có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Nhưng cho dù có bố trí đầy đủ vốn thì cũng phải mất khoảng 10 năm mới cải tạo hết số nhà trên”, ông Bình nói.

    Chung cư tiếp tục xuống cấp, biện pháp còn... chờ

    Theo điều tra của phóng viên, một trong những khó khăn lớn cho công tác này là thành phố Hà Nội chưa tiếp quản được hết quỹ nhà tự quản trên địa bàn nên chưa có cơ sở xây dựng dự án cải tạo, sửa chữa (ví dụ như nhà C1 Thành Công nêu trên là một trường hợp thuộc diện này).

    Bên cạnh đó, các dạng nhà trong dự án cải tạo thường rất phức tạp về cấu trúc, công năng và đang trong tình trạng “xôi đỗ” về sở hữu. Thậm chí, tại các khu chung cư cũ này, tình trạng cơi nới, “chuồng cọp” cũng hết sức phổ biến, có khi phần diện tích cơi nới còn lớn hơn cả diện tích được ghi trên giấy tờ hợp pháp!

    Ở dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phần diện tích trên hợp đồng thuê nhà là 10.300m2, nhưng phần cơi nới lại lên tới 10.500m2. Đền bù như thế nào cho phần diện tích không hề có trong giấy tờ nhưng đã được người dân sử dụng thực tế nhiều chục năm nay cho đến tận bây giờ? Đó là một vấn đề rất nan giải!

    Một vấn đề nan giải khác cũng đang đặt ra. Đó là, làm thế nào để bố trí tái định cư cho các hộ dân sau khi cải tạo? Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Phó giám đốc Công ty Xây dựng số 2, thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội cho biết, để đạt được sự đồng thuận của các hộ dân (đặc biệt là các hộ ở tầng 1, có diện tích sử dụng vào mục đích kinh doanh và đang sinh lời) là một thách thức không nhỏ.

    Ngoài ra, do các căn hộ cũ thường chật hẹp, không đủ tiện nghi nên khi được dọn về căn hộ mới, các hộ dân có thể phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ ngoài phần tiền được đền bù; trong khi đó, đa số hộ đang cư trú tại các chung cư cũ là đối tượng có thu nhập không cao, nếu không nói là có nhiều gia đình lao động rất nghèo, và đã vài thế hệ của gia đình họ phải chấp nhận sống chỉ trên vài mét vuông nhà chung cư!

    Được biết, Sở Tài nguyên- Môi trường và Nhà đất Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội được tiến hành dự án khi có ít nhất 80% số hộ dân ủng hộ và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, nếu chỉ vài phần trăm của số dân trên không đồng tình và kiên quyết “chống” thì dự án cũng gặp rất nhiều vướng mắc.

    Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân cho biết, bản quy chế thực hiện các dự án cải tạo chung cư làm cơ sở tiến hành dự án sẽ được thành phố thông qua trong quý 2 tới. Để tìm được sự đồng thuận tối đa của các hộ dân, ông Đỗ Hoàng Ân đặc biệt nhấn mạnh tới chủ trương cần phải làm lại toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội của khu vực dự án để tránh sự “quá tải” một lần nữa trong tương lai, một khi dân số của khu vực gia tăng đột biến do các khu tập thể được cải tạo cao tầng thêm và thu hút thêm người đến ở.

    Để có thêm tư liệu cho bài viết này, tôi trở lại khu nhà C1 Thành Công, quận Ba Đình vào một buổi chiều se lạnh. Có lẽ thấy tôi có dáng dấp nhà báo nên một cụ già giật mạnh lấy tay tôi mà hỏi:

    - Chị ơi, thấy báo đài nói nhiều về khu này, liệu nó có sắp đổ sụp xuống đầu già này không? Rồi không để tôi kịp trả lời, bà cụ nói tiếp:

    - Nhưng già này mà chết cũng chẳng sao, chỉ thương cho mấy đứa trẻ kia!

    Nói rồi bà cụ khoát tay chỉ vào mấy đứa trẻ đang chơi đùa gần đó. Tôi vội ngước lên nhìn mấy đứa trẻ, ***g ngực bỗng nhói đau...

    ANH THƯ

  • #2
    Ðề: Chung cư cũ nát ở Hà Nội SOS!

    sao mấy câu cuối em nghe nó làm sao ấy, có gì đó...
    Nếu em hiểu

    Ghi chú

    Working...
    X