QUẢNG CÁO ĐẦU TRANG

Collapse

Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chất lượng chung cư cao tầng tại Hà Nội

Collapse
X
 
  • Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chất lượng chung cư cao tầng tại Hà Nội

    Worker xin giới thiệu bài phỏng vấn của báo Tuổi trẻ với Ông Trần Chủng về Chất lượng các chung cư cao tầng tại Hà Nội để mọi người thảo luận:



    TT - Thời gian vừa qua, hàng loạt nhà chung cư cao tầng xuất hiện tại Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào nhu cầu nhà ở của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khu chung cư vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Chủng, cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết:

    - Sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng xuống cấp của một số nhà chung cư mới đưa vào sử dụng ở Hà Nội, chúng tôi đã cùng Sở Xây dựng thành phố tiến hành khảo sát và điều dễ nhận thấy là những khu chung cư đó, hầu hết là khu tái định cư, không có chủ quản lý đích thực sau khi đưa vào sử dụng.

    Điều này chúng ta đã có bài học đối với những khu tập thể nhiều tầng trước đây. Do không có chủ quản lý nên khi người dân về ở, họ đã tự ý sửa chữa, thay đổi kết cấu căn hộ dẫn đến việc thấm dột, lở tường... Vì vậy, điều kiện rất quan trọng để một khu chung cư bền vững là phải có chủ quản lý sau khi đưa khu chung cư đó vào khai thác.

    * Thưa ông, việc người dân phải sửa chữa lại căn hộ chứng tỏ sự bất cập trong thiết kế trước đó?

    - Một trong những lý do khiến người dân hay sửa chữa là vì họ thường chỉ được biết căn hộ của mình sau khi đã xây dựng xong. Mặc dù họ đều biết căn hộ của mình ở tầng mấy, hình thù như thế nào trên bản vẽ, nhưng trong quá trình hoàn thiện họ không được giám sát, không biết chủ đầu tư sử dụng những vật liệu gì nên khi về ở thấy không phù hợp là họ thay đổi.

    Rất mừng là hiện nay có nhiều chủ đầu tư đã cho phép người mua nhà giám sát căn hộ của mình trong quá trình hoàn thiện. Lúc đó, nếu không thích vật liệu này họ có thể đề nghị chủ đầu tư thay đổi vật liệu khác tốt hơn và trả số tiền chênh lệch đó. Trong trường hợp người dân muốn sửa chữa căn hộ khi đã về ở rồi thì nhất thiết phải xin phép ban quản lý chung cư, và việc sửa chữa phải được giao cho những nhà thầu có đủ năng lực thực hiện.


    Một góc khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính - Ảnh: P.YÊN
    * Các khu đô thị mới đều xây dựng những khu nhà chung cư rất sát nhau...

    - Đây là một trong số những tồn tại của một số khu đô thị mới. Theo qui định của tiêu chuẩn một số nước mà chúng ta áp dụng, đối với nhà cao tầng những năm trước đây, khu nhà thứ hai phải cách khu nhà thứ nhất một khoảng cách bằng 1,5 lần chiều cao của ngôi nhà thứ nhất. Nhưng thực tế việc phát triển nhà cao tầng trong các đô thị hiện nay với qui định này không phù hợp. Chúng tôi đang nghiên cứu và bổ sung vào qui chuẩn về khoảng cách tối thiểu giữa hai tòa nhà dự kiến không ít hơn 25m.

    * Có ý kiến cho rằng việc xây dựng các khu chung cư sát nhau không phải vì chủ đầu tư muốn tận dụng diện tích đất mà thực chất là họ muốn dành nhiều diện tích đất để chia lô bán...

    - Có tình trạng như vậy. Nhiều khu đô thị rải hết nhà chung cư ra phía trước, lấy đất phía trong chia lô xây biệt thự. Khi được hỏi lý do thì chủ đầu tư lý giải làm thế để lấy tiền bán đất chia lô bù vào giá bán nhà chung cư, vì giá nhà chung cư phải hạ xuống cho phù hợp với đa số người dân. Tôi được biết Hà Nội đã nhận ra điều này nên tất cả dự án trong nội thành đều qui định chỉ được xây nhà chung cư cao tầng, không được chia lô bán xây biệt thự.

    * Ông luôn nhấn mạnh đến chất lượng chung cư. Vậy Hà Nội có nên phát triển ồ ạt mô hình nhà chung cư hay không khi mà các nhà địa chất nói rằng nền đất của Hà Nội là nền đất yếu?

    - Đúng là Hà Nội có một lớp đất yếu dày 14-20m. Tình trạng lún, nghiêng ở những khu tập thể cao tầng xây dựng trước đây chính là do đã đặt móng trên nền đất yếu ấy. Nhưng hiện nay tất cả nhà chung cư đều có móng sâu vượt qua lớp đất yếu xuống tận lớp đất cứng.

    Điều tôi lo là Hà Nội phát triển quá nhiều nhà chung cư trong khu vực nội thị trong khi không quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật cho các khu nhà chung cư. Tôi cho rằng phát triển nhà chung cư tại khu vực ngoại thành là hợp lý nhất vì ở đấy đủ diện tích đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho các khu đô thị mới.
    KHIẾT HƯNG thực hiện

  • #2
    Kiểm định chất lượng Nhà Chung cư còn bị bỏ ngỏ ?

    TT - Mua nhà chung cư cao tầng đang là một nhu cầu của các đô thị lớn, nhưng hiện nay đã xuất hiện những chung cư xuống cấp ngay khi mới đưa vào sử dụng. Bộ Xây dựng quan tâm đến vấn đề này như thế nào? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Dũng, vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ (Bộ Xây dựng), nói:



    - Hiện chúng tôi chưa có đánh giá chính thức về chất lượng nhà chung cư (CC) nhưng qua thông tin của báo chí, phản ảnh của người dân về sự xuống cấp ở một số khu CC, chúng tôi đã cử đoàn đến thẩm tra, đánh giá. Về toàn cảnh tình hình nhà CC hiện nay, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ có đánh giá trong thời gian tới.

    Tuy nhiên, thường thì một khu CC sau khi hoàn thành việc xây dựng sẽ phải qua khâu nghiệm thu trước khi bàn giao. Quá trình nghiệm thu sẽ kiểm định chất lượng, đánh giá toàn bộ hệ thống về kết cấu, kỹ thuật công trình. Đáng tiếc là một số dự án, nhất là các dự án của địa phương, lại không tuân thủ nguyên tắc này, nên khi kiểm tra những CC xuống cấp thời gian qua đều thấy không tuân thủ khâu nghiệm thu trước khi bàn giao.

    * Theo ông, điều đáng lo ngại đối với nhà CC hiện nay là gì?

    - Chúng tôi lo ngại nhất là hệ thống phòng hỏa, hạ tầng kỹ thuật, khu vệ sinh, đường ống thoát nước, rác thải... Nếu thi công không tốt sẽ khiến CC xuống cấp rất nhanh chóng. Trong khi đó vẫn còn thiếu nhiều tiêu chí thí nghiệm, đánh giá chất lượng tổng thể các hệ thống kỹ thuật công trình sau khi hoàn thành.

    Công việc này được đánh giá thông qua quá trình sử dụng rồi so sánh với yêu cầu của thiết kế. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác mới thấy nhiều CC còn tồn tại một số vấn đề như: khả năng chống cháy, độ tin cậy của thiết bị báo cháy, mức độ an toàn khi vận chuyển, sử dụng bình gas, độ an toàn áp lực của hệ thống cấp nước...

    Ý thức của người ở CC cũng đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng CC. Bộ Xây dựng đã ban hành qui chế quản lý nhà CC sau khi bàn giao cho người sử dụng. Hiện nay một số khu CC mới xây dựng đã thành lập các công ty dịch vụ về quản lý nhà CC để bảo trì, bảo dưỡng, điển hình là khu Bắc Linh Đàm (Hà Nội). Tôi cho rằng đây là mô hình tốt để duy trì chất lượng nhà CC.

    * Đối với VN, nhà CC nên xây cao bao nhiêu tầng là phù hợp?

    - Nói chung, CC cao 20-25 tầng là phù hợp với điều kiện của VN. Tôi cho rằng cỡ đó là vừa, nếu xây cao thì số lượng người ở lớn, nguồn năng lượng, nước sạch lớn sẽ khó khăn trong việc cung ứng, gây ra nhiều hạn chế cho người sử dụng.

    * Hiện nay nhiều khu tập thể cao tầng xây dựng từ những năm 1960 đang được cải tạo bằng cách cơi nới đồng loạt từ tầng dưới lên tầng trên. Theo ông, việc cải tạo này có đáp ứng được yêu cầu về an toàn chất lượng không?

    - Tôi cho rằng giải pháp đó chỉ hợp với giai đoạn hiện nay vì đầu tư không lớn trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật hạn chê. Về lâu dài đây không phải là giải pháp tốt. Theo tôi, những khu nhà này đều đã gần hết tuổi thọ, nhiều khu xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, phải tổ chức tái định cư cho người dân để xây dựng lại thành những CC cao tầng mới trên chính những khu đất đó thì tốt hơn.

    * Xin cảm ơn ông.

    KHIẾT HƯNG thực hiện


    Khu chung cư M3, M4 không đạt yêu cầu
    về khoảng lùi do nằm quá sát mặt đường
    Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) - Ảnh: K.H.

    Ghi chú

    Working...
    X