LĐ số 6 Ngày 07.01.2005 Cập nhật: 08:05:22 - 07.01.2005
Nâng cao hiệu quả và chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản:
Thừa giải pháp, thiếu hành động
Đình Chúc
"Kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí, thất thoát, tiêu cực..." - đó là những gam tối trong bức tranh đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) mà dư luận đặc biệt bức xúc và luôn là đề tài nóng bỏng trong các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, bởi đây chính là một trong những lực cản to lớn làm giảm đi sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế, giảm sút lòng tin của nhân dân. Chính vì vậy mà tại kỳ họp cuối năm 2004, Quốc hội đã phải ra hẳn một nghị quyết về công tác này và lấy năm 2005 là năm "nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải, nợ đọng vốn trong ĐTXDCB". Và Hội nghị toàn quốc do Bộ KH&ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 6.1.2005 không ngoài mục đích thực hiện thật quyết liệt để đáp ứng những yêu cầu của Quốc hội. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
4 cái được và 6 cái yếu
Một công trình dang dở nhiều năm
nay trên đường Láng Hạ, Hà Nội
(đối diện Trung tâm Chiếu phim
quốc gia).
Công tâm mà nói, bên cạnh những bức xúc mà dư luận đặt ra, lĩnh vực ĐTXDCB những năm qua đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Mở đầu phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, sở dĩ nền kinh tế nước ta những năm qua và đặc biệt là năm 2004 liên tục tăng trưởng không thể phủ nhận sự góp sức rất to lớn của các nguồn vốn đầu tư. Còn theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc, trong 4 cái được của lĩnh vực ĐTXDCB (nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá; cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực; năng lực nhiều ngành KT-XH tăng lên đáng kể; cơ chế quản lý có nhiều đổi mới), thì cái được thứ nhất dễ nhận biết hơn cả: Vốn đầu tư hàng năm đạt 15-16 tỉ USD, tỉ lệ huy động vốn liên tục tăng và chiếm từ 33- 36% GDP, vốn nhà nước chiếm 52- 53%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn không bằng lòng khi ông cho rằng "thành tựu trong ĐTXDCB nói riêng và nền kinh tế nói chung những năm qua còn dưới mức khả năng và nếu quản lý tốt hơn nguồn vốn này chúng ta còn huy động được nhiều vốn hơn nữa và hiệu quả với nền kinh tế sẽ cao hơn". Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng không ngần ngại chỉ ra 6 yếu kém trong lĩnh vực ĐTXDCB, trong đó bức xúc nhất là đầu tư dàn trải chưa được khắc phục có hiệu quả, thất thoát lãng phí còn lớn và gánh nợ XDCB quả là quá sức. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc minh chứng: Kết quả thanh tra một số dự án cho thấy sai phạm về tài chính chiếm 14-15%, số vốn kiến nghị thu hồi lên tới 5- 6% tổng vốn đầu tư. Đại diện tỉnh An Giang thừa nhận: Chỉ thanh tra 10 công trình với tổng vốn 25 tỉ đồng đã phát hiện sai phạm với giá trị thiệt hại lên tới 4,52 tỉ đồng!
Đặc biệt, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, tổng số nợ chưa qua rà soát của các địa phương đã vượt quá 13.000 tỉ đồng. Bởi vậy, theo đại diện tỉnh Quảng Nam thì 3 năm qua tỉnh này đã phải dành tới 80% vốn ĐTXDCB để... trả nợ, còn chỉ dám bố trí 20% vốn cho công trình mới. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng không ngần ngại nêu đích danh 3 "con nợ" lớn hiện nay là các dự án thuộc Bộ GTVT, các dự án thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) và các công trình của Bộ Xây dựng. Và cũng không quy kết chung chung, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chỉ đích danh 4 đối tượng phải chịu trách nhiệm về những yếu kém trên: Bộ KHĐT (cơ quan điều hành vĩ mô); lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; HĐQT và TGĐ nhiều DNNN; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các tổ chức tư vấn giám sát. Như vậy là đã nhận rõ những yếu kém, tìm rõ nguyên nhân, ai chịu trách nhiệm, việc còn lại là làm và làm như thế nào?
Sẽ không còn chuyện "trách nhiệm của chúng ta"?
Dư luận cho rằng, căn nguyên của những yếu kém trong ĐTXDCB kéo dài quá nhiều năm là do tình trạng "cha chung không ai khóc", trách nhiệm cá nhân không rõ ràng nên khi xảy ra sai sót, các bộ, ngành địa phương đều quy lỗi cho tập thể, lỗi của "chúng ta". Bởi vậy, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, muốn khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, trước hết phải quy rõ trách nhiệm cá nhân, ai ra quyết định đầu tư sai, người đó phải chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng chỉ thị: Ngay trong quý I/2005, phải tổng rà soát lại toàn bộ các dự án ĐTXDCB, Bộ KH&ĐT phải chịu trách nhiệm rà soát hơn 100 dự án nhóm A, các dự án nhóm B, C thuộc về trách nhiệm chủ tịch các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng. Đặc biệt, lãnh đạo 17 TCty 91 và 87 TCty 90 (nắm phần vốn lớn nhà nước) cũng phải tự rà soát lại các dự án đầu tư, tìm cho ra những kẽ hở, yếu kém và phải chịu trách nhiệm về tình trạng đầu tư ở đơn vị mình. Nếu bộ, ngành địa phương nào cố tình làm sai dứt khoát người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng đã đề ra 13 việc phải làm ngay trong năm 2005, trong đó chỉ rõ ai, đơn vị nào sẽ làm và làm thời gian nào nhằm trong sạch hoá môi trường ĐTXDCB. Song nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, biện pháp, giải pháp đã quá đủ và khá trúng, vấn đề mấu chốt còn lại là phải bắt tay làm quyết liệt mới có thể báo cáo với dân, với Quốc hội rằng đã tạo ra sự chuyển biến thực sự trong lĩnh vực này.
5 việc lớn phải làm quyết liệt trong năm 2005
Thứ nhất, tiếp tục huy động các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế và sử dụng thật hiệu quả các nguồn vốn này (đặc biệt là vốn ngân sách, tín dụng nhà nước và vốn của các DNNN).
Thứ hai, rà soát lại tất cả dự án các nhóm A, B, C, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, không khả thi và quy rõ trách nhiệm cá nhân nếu cố tình làm sai.
Thứ ba, khẩn trương sửa đổi các quy định, văn bản không phù hợp.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ công tác quy hoạch, trong đó quy hoạch sản phẩm phải theo hướng mở và động, phù hợp với những cam kết quốc tế.
Thứ năm, tiến hành thanh tra, kiểm toán, giám sát đầu tư theo hướng đổi mới công tác thanh tra, trong đó thanh tra cả những dự án làm ăn tốt để học tập, rút kinh nghiệm. (Lược ghi ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng)
http://www.laodong.com.vn/
Nâng cao hiệu quả và chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản:
Thừa giải pháp, thiếu hành động
Đình Chúc
"Kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí, thất thoát, tiêu cực..." - đó là những gam tối trong bức tranh đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) mà dư luận đặc biệt bức xúc và luôn là đề tài nóng bỏng trong các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, bởi đây chính là một trong những lực cản to lớn làm giảm đi sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế, giảm sút lòng tin của nhân dân. Chính vì vậy mà tại kỳ họp cuối năm 2004, Quốc hội đã phải ra hẳn một nghị quyết về công tác này và lấy năm 2005 là năm "nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải, nợ đọng vốn trong ĐTXDCB". Và Hội nghị toàn quốc do Bộ KH&ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 6.1.2005 không ngoài mục đích thực hiện thật quyết liệt để đáp ứng những yêu cầu của Quốc hội. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
4 cái được và 6 cái yếu
Một công trình dang dở nhiều năm
nay trên đường Láng Hạ, Hà Nội
(đối diện Trung tâm Chiếu phim
quốc gia).
Công tâm mà nói, bên cạnh những bức xúc mà dư luận đặt ra, lĩnh vực ĐTXDCB những năm qua đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Mở đầu phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, sở dĩ nền kinh tế nước ta những năm qua và đặc biệt là năm 2004 liên tục tăng trưởng không thể phủ nhận sự góp sức rất to lớn của các nguồn vốn đầu tư. Còn theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc, trong 4 cái được của lĩnh vực ĐTXDCB (nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá; cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực; năng lực nhiều ngành KT-XH tăng lên đáng kể; cơ chế quản lý có nhiều đổi mới), thì cái được thứ nhất dễ nhận biết hơn cả: Vốn đầu tư hàng năm đạt 15-16 tỉ USD, tỉ lệ huy động vốn liên tục tăng và chiếm từ 33- 36% GDP, vốn nhà nước chiếm 52- 53%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn không bằng lòng khi ông cho rằng "thành tựu trong ĐTXDCB nói riêng và nền kinh tế nói chung những năm qua còn dưới mức khả năng và nếu quản lý tốt hơn nguồn vốn này chúng ta còn huy động được nhiều vốn hơn nữa và hiệu quả với nền kinh tế sẽ cao hơn". Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng không ngần ngại chỉ ra 6 yếu kém trong lĩnh vực ĐTXDCB, trong đó bức xúc nhất là đầu tư dàn trải chưa được khắc phục có hiệu quả, thất thoát lãng phí còn lớn và gánh nợ XDCB quả là quá sức. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc minh chứng: Kết quả thanh tra một số dự án cho thấy sai phạm về tài chính chiếm 14-15%, số vốn kiến nghị thu hồi lên tới 5- 6% tổng vốn đầu tư. Đại diện tỉnh An Giang thừa nhận: Chỉ thanh tra 10 công trình với tổng vốn 25 tỉ đồng đã phát hiện sai phạm với giá trị thiệt hại lên tới 4,52 tỉ đồng!
Đặc biệt, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, tổng số nợ chưa qua rà soát của các địa phương đã vượt quá 13.000 tỉ đồng. Bởi vậy, theo đại diện tỉnh Quảng Nam thì 3 năm qua tỉnh này đã phải dành tới 80% vốn ĐTXDCB để... trả nợ, còn chỉ dám bố trí 20% vốn cho công trình mới. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng không ngần ngại nêu đích danh 3 "con nợ" lớn hiện nay là các dự án thuộc Bộ GTVT, các dự án thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) và các công trình của Bộ Xây dựng. Và cũng không quy kết chung chung, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chỉ đích danh 4 đối tượng phải chịu trách nhiệm về những yếu kém trên: Bộ KHĐT (cơ quan điều hành vĩ mô); lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; HĐQT và TGĐ nhiều DNNN; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các tổ chức tư vấn giám sát. Như vậy là đã nhận rõ những yếu kém, tìm rõ nguyên nhân, ai chịu trách nhiệm, việc còn lại là làm và làm như thế nào?
Sẽ không còn chuyện "trách nhiệm của chúng ta"?
Dư luận cho rằng, căn nguyên của những yếu kém trong ĐTXDCB kéo dài quá nhiều năm là do tình trạng "cha chung không ai khóc", trách nhiệm cá nhân không rõ ràng nên khi xảy ra sai sót, các bộ, ngành địa phương đều quy lỗi cho tập thể, lỗi của "chúng ta". Bởi vậy, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, muốn khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, trước hết phải quy rõ trách nhiệm cá nhân, ai ra quyết định đầu tư sai, người đó phải chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng chỉ thị: Ngay trong quý I/2005, phải tổng rà soát lại toàn bộ các dự án ĐTXDCB, Bộ KH&ĐT phải chịu trách nhiệm rà soát hơn 100 dự án nhóm A, các dự án nhóm B, C thuộc về trách nhiệm chủ tịch các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng. Đặc biệt, lãnh đạo 17 TCty 91 và 87 TCty 90 (nắm phần vốn lớn nhà nước) cũng phải tự rà soát lại các dự án đầu tư, tìm cho ra những kẽ hở, yếu kém và phải chịu trách nhiệm về tình trạng đầu tư ở đơn vị mình. Nếu bộ, ngành địa phương nào cố tình làm sai dứt khoát người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng đã đề ra 13 việc phải làm ngay trong năm 2005, trong đó chỉ rõ ai, đơn vị nào sẽ làm và làm thời gian nào nhằm trong sạch hoá môi trường ĐTXDCB. Song nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, biện pháp, giải pháp đã quá đủ và khá trúng, vấn đề mấu chốt còn lại là phải bắt tay làm quyết liệt mới có thể báo cáo với dân, với Quốc hội rằng đã tạo ra sự chuyển biến thực sự trong lĩnh vực này.
5 việc lớn phải làm quyết liệt trong năm 2005
Thứ nhất, tiếp tục huy động các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế và sử dụng thật hiệu quả các nguồn vốn này (đặc biệt là vốn ngân sách, tín dụng nhà nước và vốn của các DNNN).
Thứ hai, rà soát lại tất cả dự án các nhóm A, B, C, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, không khả thi và quy rõ trách nhiệm cá nhân nếu cố tình làm sai.
Thứ ba, khẩn trương sửa đổi các quy định, văn bản không phù hợp.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ công tác quy hoạch, trong đó quy hoạch sản phẩm phải theo hướng mở và động, phù hợp với những cam kết quốc tế.
Thứ năm, tiến hành thanh tra, kiểm toán, giám sát đầu tư theo hướng đổi mới công tác thanh tra, trong đó thanh tra cả những dự án làm ăn tốt để học tập, rút kinh nghiệm. (Lược ghi ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng)
http://www.laodong.com.vn/