QUẢNG CÁO ĐẦU TRANG

Collapse

Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Các ý kiến xoay quanh chuyện qui hoạch mới Hà Nội

Collapse
X
 
  • Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Các ý kiến xoay quanh chuyện qui hoạch mới Hà Nội

    Nhiều ý kiến “bác” đồ án quy hoạch “siêu Thủ đô”
    (Dân trí) - Cuộc hội thảo thứ 2 lấy ý kiến phản biện về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội, các ý kiến từ Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đã không giấu nhiều hoài nghi về triển vọng xây dựng "siêu Thủ đô".

    Hà Nội thu nhập 20.000 USD/người khó khả thi


    Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị (QHPTĐT) Hà Nội nêu 7 vấn đề còn mắc từ đồ án do liên danh tư vấn PPJ: Perkins Eastman - Posco E&C - Jina (Mỹ - Hàn Quốc) thực hiện.

    Ông Nghiêm tỏ ý băn khoăn về mức độ tăng trưởng, mục tiêu phát triển của thành phố, cấu trúc, quy mô đô thị, quy mô dân số, ý tưởng mô hình vành đai xanh, khu hành chính quốc gia, xây dựng sân bay quốc tế đặt ra trong đồ án.

    Dưới con mắt của ông Kiến trúc sư trưởng một thời của Hà Nội thì nhà tư vấn đã đưa ra những phương án thiếu khả thi khi “tham vọng” xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô bền vững hàng đầu thế giới với quy mô dân cư lên tới khoảng 15 triệu dân, mức thu nhập bình quân đầu người 20.000 USD/năm.

    Ông Nghiêm phân tích, mức thu nhập hiện tại của Hà Nội là 830 USD/người/năm, kém xa TPHCM. “Nếu cứ nhìn mức dự báo của tư vấn thiết kế, tôi “sướng”… run vì chỉ 10 năm nữa, dân Hà Nội đã có mức sống như dân Hàn Quốc hiện tại” - ông Nghiêm cho rằng kịch bản tươi đẹp không có “cửa” đạt được.

    Khái niệm vành đai xanh, theo Phó Chủ tịch Hội QHPTĐT Hà Nội, từ thời ông tại nhiệm đã có chủ trương phải làm, phải giữ cho được khu vực giãn cách “bọc” thành phố. Tuy nhiên, vành đai vẫn lần lượt bị chọc thủng bởi chính lợi thế của các khu vực lân cận áp sát, lấn át dần.

    Mô hình thành phố phát triển dọc 2 bên bờ sông Hồng cũng từng là niềm tự hào của những người làm kiến trúc thành phố. Ông Nghiêm còn dẫn vị trí 7 cây cầu trên bản vẽ quy hoạch của mình nhưng qua 11 năm, mới chỉ triển khai làm 2 chiếc mà đến giờ vẫn chưa xong.

    Từ bài học thực tế, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố cảnh báo, những dự báo đưa ra nếu không chuẩn sẽ tiếp tục đẩy thành phố vào những vấn đề “xôi đỗ” phức tạp.

    GS. Nguyễn Xuân Hãn tỏ ý đồng tình với phần phản biện ông Nghiêm khi đã chỉ ra được những mâu thuẫn của các con số. Ước vọng một Thủ đô quy mô hàng đầu thế giới như đồ án sẽ có diện tích, dân số, lượng xây dựng lớn hơn cả Matxcơva - Thủ đô của đất nước chiếm tới 10% diện tích thế giới.

    ThS. Bùi Tâm Trung (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thủ đô) góp ý, không nên đề ra tầm nhìn “cao sang” cho Hà Nội phải trở thành hiện đại hay hoành tráng hàng đầu khu vực, thế giới vì chẳng du khách nào tới Việt Nam để xem mức độ hiện đại mà chỉ để tìm đến một thành phố có bản sắc riêng của Á Đông.

    Theo ông Trung, ngay cả mục tiêu xây dựng Hà Nội thành trung tâm kinh tế, công nghệ cao, nông nghiệp, công nghiệp… hàng đầu cả nước cũng không nhất thiết. Ông Trung nêu ví dụ: Nước Mỹ đặt nhiệm vụ đó cho New York chứ không phải Washington, Trung Quốc cũng xây dựng một Thượng Hải sôi động, đỡ gánh cho Bắc Kinh.

    Khu hành chính quốc gia “lệch” triết lý người Việt

    Bản quy hoạch chung Thủ đô đưa ra những phương án di chuyển trung tâm hành chính quốc gia tới khu vực tây Hồ Tây, đoạn giữa sông Đáy - sông Tích hay tại Thạch Thất (Hà Tây cũ) đã bị hầu hết các ý kiến đến từ Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Hà Nội “bác” thẳng thừng.

    TS. Vũ Hoan cho rằng, trung tâm hành chính quốc gia không thể tách dời khu Ba Đình, nơi hội tụ đủ yếu tố địa chính trị, địa kinh tế, địa xã hội được khẳng định từ thời Lý Thái Tổ dời đô.

    Còn TS. Nguyễn Hoàn (Hội Kinh tế Việt Nam) phân tích, bản quy hoạch không được nhìn dưới con mắt, quan điểm của người Hà Nội, người Việt Nam nên “lệch” so với tư duy, triết lý của người Việt.

    Về việc xây dựng một sân bay quốc tế mới phục vụ cho Thủ đô, TS. Hoàn góp ý, quy mô đủ tầm quốc tế phải đảm bảo cho máy bay A380 lên xuống thoải mái. Diện tích sân bay mới theo đó phải khoảng 5.000ha, con số vượt hơn nhiều so với phương án của đơn vị tư vấn quy hoạch.

    Với diện tích chiếm đất lớn, theo ông Hoàn, không nên xây dựng sân bay trong lòng Hà Nội, không nên “phung phí” khu vực Láng - Hoà Lạc nhưng cũng không nên xây dựng từ nền sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Khoảng cách phù hợp được kiến nghị là khu vực Hưng Yên, Hải Dương.

    Đứng trên góc độ cơ quan quản lý về giao thông vận tải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Thanh Lợi “nhắc” những quy chuẩn cần đảm bảo từ bản đồ án: quỹ đất giao thông tối thiểu 26%, bãi đỗ xe 5%...

    Mạng lưới đường cũng được kiến nghị thay đổi, thiết kế dạng bàn cờ và vành đai thay vì dạng dẻ quạt. Ông Lợi cũng cho rằng giao thông đối ngoại cần được quan tâm hơn trong đồ án để tránh tình trạng xung đột, tắc đường từ thành phố tỏa ra các trục quốc lộ, cao tốc như thời gian vừa qua.

    P. Thảo
    http://dantri.com.vn/c20/s20-340463/...ieu-thu-do.htm

  • #2
    Ðề: Các ý kiến xoay quanh chuyện qui hoạch mới Hà Nội

    “Viễn tưởng” đồ án Quy hoạch Hà Nội đến 2030?
    (Dân trí) - Có quá nhiều vấn đề trong đồ án“Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” bị cho là “viễn tưởng”, thiếu cơ sở triết lý khiến nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hoài nghi về “tham vọng” có một Thủ đô lọt vào top hàng đầu thế giới.

    Đồ án “Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” do nhà thầu tư vấn PPJ (liên doanh Mỹ và Hàn Quốc) xây dựng vừa được đưa ra lấy ý kiến các hội nghề nghiệp và các chuyên gia. Chúng tôi đã có cuộc đối thoại với PGS.TS. KTS Huỳnh Đăng Hy, Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam về vấn đề này.

    Quy hoạch “xoá sạch trơn”

    Là một trong số những người đã nghiên cứu và dồn nhiều tâm huyết trong việc quy hoạch Thủ đô từ những năm đầu thập niên 80, ông nghĩ sao về việc bức tranh quy hoạch Thủ đô liên tục bị thay đổi?

    Đó là điều khiến tôi chưa hài lòng. Phải nói rằng việc quy hoạch đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội là vấn đề mang tầm chiến lược, nếu như có sự sai sót thì rất khó sửa mà có sửa thì tốn kém rất nhiều.
    Để Thủ đô phát triển bền vững thì trước hết thành phố trung tâm phải có đồ án quy hoạch chung ổn định nhưng rất đáng tiếc, quy hoạch chung Thủ đô cứ trung bình 7 - 10 năm lại thay đổi một lần mà mỗi lần điều chỉnh, bổ sung thường “xoá sạch trơn” cái cũ mà không chịu kế thừa những cái tốt, cái tinh hoa.

    Quy hoạch Hà Nội cần có sự "góp sức" của người dân Thủ đô.

    Đồ án “Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” lần này liệu có theo “truyền thống” xóa sạch đó?

    Đáng buồn là quy hoạch mới này cũng “xoá sổ” mọi quy hoạch trước đó, không lấy kinh nghiệm, không kế thừa, phát huy những ý tưởng đúng, tích cực trước đó...

    Tôi rất tâm đắc với bản Quy hoạch được Chính phủ duyệt năm 1981 mà do điều kiện kinh tế, chúng ta đã thay thế nó bằng bản Quy hoạch năm 1991 kém hơn rất nhiều.

    Đáng lý những tinh hoa của nó vẫn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trên tinh thần “gạn đục, khơi trong” thì lại bị “lãng quên”.

    Khi Bộ Xây dựng kí hợp đồng tư vấn quốc tế với PPJ để lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, cá nhân tôi và nhiều chuyên gia đã rất kì vọng vào một Thủ đô khang trang, sáng sủa. Sự kì vọng đó là có cơ sở vì vấn đề quy hoạch đô thị là một vấn đề mang tầm quốc gia, quốc tế với bản hợp đồng trị giá 6,5 triệu USD.

    Xa rời thực tế

    Vì sao ông lại thất vọng với bản Quy hoạch tốn kém này?

    Hơn cả sự thất vọng! Các vấn đề đặt ra trong Đồ án quá viễn tưởng và thiếu cơ sở khoa học. Nhìn chung, họ đặt ra nhiều vấn đề quá xa thực tế, quá tầm với của đất nước nên không khả thi.

    Họ vẽ ra viễn cảnh Hà Nội “len” vào danh sách một Thủ đô hàng đầu thế giới, đáp ứng được 6 tiêu chí “khắt khe”" trong việc xếp loại, một “siêu Thủ đô” trong khi còn nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội lại chưa có phương án cụ thể để giải quyết.

    Dựa trên cơ sở nào để ông cho rằng bản Quy hoạch này là viễn tưởng, xa rời thực tế?

    Tôi lấy ví dụ, nhà tư vấn đã đưa ra những phương án thiếu khả thi khi “tham vọng” xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô bền vững hàng đầu thế giới với quy mô dân cư lên tới 10 triệu người, trong tương lai sẽ thu hút 10 - 12% dân số cả nước...

    Những con số này quả là một phép tính kì lạ, chẳng có cơ sở nào. Bài toán dân số là bài toán rất quan trọng, là việc làm đầu tiên mà bất cứ quy hoạch nào cũng cần tính toán chính xác nhưng đáng tiếc, đó lại không phải là "điểm sáng" của Đồ án.

    Đồ án còn đưa ra mức thu nhập 20.000 USD/người/năm, ông nghĩ sao về con số mà không ít người cho là viễn tưởng này?

    Lại là con số “từ trên trời” vì rằng hiện tại chúng ta đang ở mức 830 USD/người/năm. Mà việc hạch toán GDP cho người dân Thủ đô không phải là nhiệm vụ của nhà tư vấn quy hoạch đô thị.

    Việc của họ là đưa ra mức độ tăng trưởng, mục tiêu phát triển của thành phố, cấu trúc, quy mô đô thị, quy mô dân số, vấn đề đô thị hoá... Thế nhưng các vấn đề này thì trong Đồ án lại quá chung chung và không giải quyết triệt để.

    Quá nhiều thiếu sót trong quy hoạch


    Ông cho rằng, có nhiều vấn đề còn thiếu sót trong bản Quy hoạch mang “yếu tố ngoại” này. Cụ thể là thế nào, thưa ông?

    Có nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra những vấn đề hạn chế khác nhau. Riêng quan điểm của tôi, còn quá nhiều vấn đề Đồ án không hề “đả động” gì cả. Đó là vấn đề phát triển dân số Thủ đô, vấn đề đô thị hoá, động lực phát triển thủ đô, hình thái bố trí chùm thủ đô cũng chưa được nghiên cứu.

    Vấn đề trọng điểm cho khu vực đô thị trung tâm, phân bố các khu vực cần phát triển kinh tế tri thức, khu phát triển trung tâm khoa học, các tập đoàn… cũng mơ hồ hay các vấn đề về hành lang xanh, môi trường chưa được quan tâm thấu đáo.

    Nhiều ý kiến cho rằng, Hồ Tây phải là Trung tâm hành chính Quốc gia của Thủ đô. Ý kiến của ông thế nào?

    Nhà tư vấn đặt ra rất nhiều phương án cho việc đặt khu Trung tâm hành chính Quốc gia: Một là ở Đông Anh, hai là ở khu vực giữa sông Đáy và sông Tích, ba là khu Ba Vì… nhưng tôi cho rằng các phương án đó không khả thi.
    Quan điểm của tôi là Trung tâm hành chính Quốc gia nên “bám” quanh Hồ Tây, vừa tận dụng, phát huy những cảnh quan “trời cho” của Hồ Tây vừa không tách rời khu vực Ba Đình. Đó là địa điểm phù hợp nhất.

    Giao thông là vấn đề nhức nhối của Hà Nội nhiều năm nay. Đồ án Quy hoạch mới này đã không đề cập đến vấn đề này. Đó có phải là một thiếu sót nghiêm trọng, thưa ông?

    Đúng vậy. Đó là hệ thống giao thông vào thành phố hiện thuộc loại “độc đạo”, thường xuyên ách tắc nhưng trong sơ đồ được nhà tư vấn vạch ra vẫn không hề có một phương án giải quyết.

    Giao thông là cơ sở hạ tầng mang tính xuyên suốt để phát triển kinh tế, cần rất thận trọng với việc dự báo cũng như xác định tầm nhìn, nếu không đô thị lại tiếp tục trong tình trạng “xôi đỗ”, lổn nhổn và vấn đề giao thông không thể gỡ được.

    Gấp gáp và hình thức

    Vì sao các nhà tư vấn, vốn có rất nhiều kinh nghiệm trong xây dựng đồ án quy hoạch đô thị lại bộc lộ những thiếu sót và sự xa rời thực tế khi xây dựng Quy hoạch Hà Nội, thưa ông?

    Vấn đề là nhà tư vấn không nghiên cứu kĩ tình hình, hiện trạng của chúng ta. Mà nói đúng hơn là họ nghiên cứu “chưa tới”. Trao một đồ án mang tầm chiến lược không đơn giản chỉ là một bản kế hoạch trên giấy mà quan trọng phải phù hợp với tình hình đất nước, một Thủ đô hiện đại nhưng phải giàu bản sắc dân tộc.

    Có vẻ đồ án chỉ mới dừng ở việc nghiên cứu hình thái quy hoạch vùng chứ chưa bao quát và tỉ mỉ các vấn đề, chưa đề cập đến việc cải tạo, phát triển cấu trúc của thành phố Hà Nội. Đó là chưa nói đến vấn đề thời gian thực hiện.

    Nghĩa là chưa bám sát “đầu bài” mà Thủ tướng đã phê duyệt?

    Đúng vậy. Có một số vấn đề như các chỉ số kĩ thuật làm cơ sở lập quy hoạch thì lại không được đặt ra cụ thể. Giao thông đối ngoại đặc biệt là giao thông hàng không cần có một cảng hàng không quốc tế cho cả vùng kinh tế phía Bắc cũng chưa được nghiên cứu. Và ngay cả việc lấy ý kiến của các chuyên gia cũng làm để “lấy vì”.

    Ý ông là các cuộc hội thảo còn hình thức?

    Đúng vậy, hội thảo lấy ý kiến rất hình thức. Hội thảo không có tài liệu cụ thể cho các chuyên gia nghiên cứu trước, các phát biểu cũng chỉ đưa ra mà không hề có giải trình.

    Xin thưa, vấn đề quy hoạch Thủ đô là một vấn đề mang tầm chiến lược, là một vấn đề lớn cần cẩn trọng chứ không thể làm theo kiểu hình thức. Nhưng cái cách tổ chức lấy ý kiến chuyên gia thời gian vừa qua thực sự khiến tôi cảm thấy nhà tư vấn thiếu nghiêm túc và không hiểu phương thức trưng cầu lấy ý kiến có thực chất?

    Huy động trí lực toàn dân

    Với tất cả những vấn đề đã nêu ở trên, theo ông, chúng ta phải làm gì?


    Việc mời các nhà tư vấn nước ngoài, tôi không có ý kiến nhưng vấn đề là các chuyên gia trong nước đều có chung mong mỏi được góp sức để đưa Hà Nội trở thành một Thủ đô “tầm cỡ”. Tại sao chúng ta không tổ chức một cuộc thi tuyển phạm vi quốc gia để lấy ý tưởng, ý kiến của toàn dân trong đó có các chuyên gia trong mọi lĩnh vực.

    Chúng ta cần có một tổ chức nghề nghiệp để phản biện đồ án. Chúng ta cần huy động “chất xám”, nhiệt huyết và cả lòng yêu nước của các chuyên gia trên toàn quốc, Việt Kiều ở các nước. Không ai hiểu hiện trạng của Hà Nội bằng những người đang ở Hà Nội, ở VN.

    Chúng tôi hiểu rất rõ hiện trạng và tình hình đô thị nói chung, Thủ đô nói riêng, và sẵn sàng tham gia phản biện Đồ án này trên tinh thần xây dựng vì sự phát triển của Thủ đô.

    Xin cám ơn ông!

    Hà Vân (thực hiện)

    http://dantri.com.vn/c20/s20-345590/...i-den-2030.htm

    Ghi chú


    • #3
      Ðề: Các ý kiến xoay quanh chuyện qui hoạch mới Hà Nội

      Hình như vấn đề này "nhạy cảm" nên ko thấy ai có ý kiến gì ?

      Ghi chú


      • #4
        Ðề: Các ý kiến xoay quanh chuyện qui hoạch mới Hà Nội

        Đây có phải là chuyện sát nhập HN đâu mà QH OK hả bác. Đây là việc lập qui hoạch HN cho nhiều nhiều năm sau nữa cơ mà

        Ghi chú

        Working...
        X