QUẢNG CÁO ĐẦU TRANG

Collapse

Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mời các bạn giải thích tại sao tai nạn lại xảy ra

Collapse
X
 
  • Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mời các bạn giải thích tại sao tai nạn lại xảy ra

    Đường càng đẹp, càng hiện đại thông thoáng thì tai nạn giao thông (TNGT) càng tăng, đặc biệt là các vụ mà người điều khiển tự lao vào dải tôn sóng. Đó là một câu chuyện hết sức lạ lùng đang diễn ra trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ.

    Bắt đầu hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ năm 2002, gần bốn năm qua, 30km đường này đã cướp đi trên dưới 50 mạng người bởi những vụ tai nạn hết sức lạ lùng, khó hiểu. Chúng tôi đã trở lại tuyến đường này, ghi nhận ý kiến của những cán bộ chuyên môn, cơ quan chức năng và cả người đi đường ngõ hầu tìm ra câu trả lời về hiện tượng lạ lùng đó.

    Thống kê của lực lượng Công an cho thấy từ đầu năm 2005 đến nay, trên tuyến đường cao tốc thuộc địa phận huyện Thường Tín có tới 12 vụ TNGT nghiêm trọng làm 16 người chết và bị thương. Trong số đó có tới 5 vụ là do người điều khiển xe máy tự đâm vào dải phân cách làm 6 người thiệt mạng. Thảm thương nhất là vụ tai nạn xảy ra vào lúc 9h35' ngày 19/6, tại khu vực xã Hà Hồi. Chị Bùi Thị Bích (SN 1980) trú tại Trực Ninh, Nam Định điều khiển xe máy chở mẹ là Vũ Thị Yến (53 tuổi) và con trai là Trần Đức Tuấn (SN 2002) đi từ hướng Cầu Giẽ - Pháp Vân. Đến địa phận xã Hà Hồi chị Bích đã đâm vào dải tôn sóng, bà Yến và cháu Tuấn chết tại chỗ, chị Bích bị xây xát.

    Trong tháng 8 cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT. Vào lúc 15h ngày 6/8, anh Đàm Phúc Tháp (SN 1950) trú tại Học viện Phòng không không quân điều khiển xe máy đi từ hướng Cầu Giẽ - Pháp Vân, đến địa phận Thường Tín đã đâm vào dải tôn sóng. Hậu quả anh Tháp đã chết sau 2 ngày được đưa đi cấp cứu. Vào lúc 17h ngày 19/8, anh Ngô Duy Hòa (SN 1952) công tác tại VKSND Tối cao điều khiển xe gắn máy đi hướng Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đến địa phận huyện Thường Tín anh Hòa đã tự đâm vào dải tôn sóng. Anh Hòa chết sau đó một ngày. Điều đáng nói là từ trước tới nay tất cả các vụ tai nạn xảy ra người điều khiển phương tiện hầu như không có cơ hội sống sót.

    Cần có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn

    Một cán bộ giao thông tại đây cho biết: "Theo thiết kế ban đầu, toàn tuyến này chỉ có 20 cầu chui dân sinh. Tuy nhiên, do các địa phương đề nghị nên sau đó số hầm chui đã lên tới 54 chiếc. Việc xuất hiện quá nhiều hầm chui đã làm cho tuyến đường liên tục uốn lượn sóng lên xuống bất ngờ". Theo lý giải của cán bộ này thì chính địa hình khá "đồi dốc" trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT. Một số người dân lại quả quyết: "Vào những ngày trời nắng to, những hàng tôn sóng bắt nắng trở nên chói mắt rất khó chịu, người điều khiển phương tiện lại đi với tốc độ cao nên rất dễ xảy ra TNGT"...

    Khi khảo sát tuyến đường này, chúng tôi thấy có nhiều người điều khiển xe gắn máy thường xuyên lấn sang đường dành cho ôtô, để tránh nạn “đinh tặc”. Khi có xe ôtô chạy với tốc độ lớn từ phía sau vượt lên, người đi xe máy vội chuyển hướng về phần đường dành cho mình, nhưng do tốc độ lớn, bất ngờ nên rất dễ đâm vào dải tôn sóng.

    Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn tự đâm trên tuyến đường này, không ít ý kiến cho rằng do đường tốt, người điều khiển phương tiện chạy tốc độ cao, sử dụng bia rượu, buồn ngủ... nên đã tự gây nên tai nạn. Theo chúng tôi thì lý giải này không thỏa đáng. Nếu vì những lý do nêu trên thì tại sao các tuyến đường cao tốc khác hiện tượng đó không xảy ra? Đáng chú ý hơn nữa là phần lớn các vụ TNGT thương tâm nêu trên chỉ diễn ra trên đoạn đường qua địa phận huyện Thường Tín. Theo khẳng định của cơ quan Công an thì trong hàng chục vụ TNGT dẫn đến tử vong nêu trên đều không phát hiện thấy việc bị cán phải đinh trước khi bị tai nạn.

    Đã đến lúc các cơ quan chuyên môn cần vào cuộc để xác định mức độ an toàn của tuyến đường, tìm ra nguyên nhân đích thực của vấn nạn này. Chỉ khi nào lý giải được nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT lạ lùng đó, mới có thể tìm các biện pháp khắc phục hoặc đưa ra những lời cảnh báo chính xác nhằm giảm thiểu những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra

    Nguồn: báo công an nhân dân www.cand.com.vn

  • #2
    Ðề: Mời các bạn giải thích tại sao tai nạn lại xảy ra

    Những tai nạn lạ lùng trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ

    Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
    Đường càng đẹp, càng thông thoáng thì tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng lại càng tăng. Những dấu hiệu khác thường, “huyền bí” dẫn đến cái chết của nhiều người trên đoạn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học.

    Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa chất - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vào cuộc và đưa ra kết quả không thể không quan tâm.

    Đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ mới đưa vào sử dụng hơn 3 năm nhưng các vụ tai nạn có nguyên nhân tự đâm vào dải tôn sóng đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương 50 người, lớn hơn nhiều so với các tuyến đường khác có cùng mật độ giao thông.

    Theo thống kê của lực lượng công an, từ đầu năm 2005 trên tuyến cao tốc này thuộc địa bàn huyện Thường Tín, Hà Tây đã xảy ra 14 vụ TNGT nghiêm trọng, làm 20 người chết và 3 người bị thương.

    Theo kỹ sư Vũ Bằng, nếu các vụ TNGT không bắt nguồn từ những nguyên nhân nhìn thấy, thì theo kinh nghiệm ở một số nước phát triển như Đức, Hà Lan, Ba Lan... nó có nguyên nhân từ trường địa điện từ trong lòng đất nơi con đường đi qua. Vậy trường địa điện từ là gì? Nó có ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe con người?

    Kỹ sư Vũ Bằng cho biết: Trường đó dân gian gọi là tia đất, ảnh hưởng tới sức khỏe con người cả tích cực lẫn tiêu cực. Trường tích cực là trường tác động làm cho con người khỏe mạnh. Nó được bức xạ bởi những khoáng vật, những tầng đất đá có tích điện (mang lại ion âm) có thể xác định được để vận dụng chọn đất làm nhà hay nhiều việc khác vì sức khoẻ con người.

    Còn trường tiêu cực dân gian gọi là "hung khí", "ác khí". Nhà khoa học gọi là ác xạ (tức bức xạ độc hại). Loại này hình thành do sự phóng xạ trong lòng đất mà chủ yếu là xạ khí chất Radon - thứ cấp của phóng xạ Uraniom đi qua vết đứt gãy trong lòng đất rồi lẫn vào không khí trên mặt đất.

    Nếu nồng độ phóng xạ lớn ta gọi là dị thường có tác hại đáng kể đối với cơ thể con người, nhất là hoạt động của bộ não.

    Nó còn hình thành do sự bức xạ dòng nước ngầm bên dưới tạo ra pin điện hoá và trường địa điện từ phân ly tạo ra các ion (chủ yếu là ion dương) rất tác hại tới sức khỏe con người.

    Các chuyên gia đã khảo sát toàn bộ tuyến đường này bằng thiết bị ăng ten vạn năng theo phương pháp trường địa điện từ. Kết quả cho thấy, từ km8 đoạn Pháp Vân tiếp giáp Hà Tây đi tiếp trên 1km về phía Nam đã xuất hiện trường bằng lực tác động và làm biến dạng dụng cụ đo. Từ km12 đến km15, trường này xuất hiện trở lại.

    Đặc biệt, từ km17+500 đến khu vực tiếp giáp huyện Phú Xuyên (km24+500) thì sức của trường rất lớn, các thông số tác động vào thiết bị đo bị quay tròn với góc lớn hơn 360 độ. Quay ngược lại tiếp tục đo cũng cho kết quả tương tự.

    Kết quả cho thấy những khu vực sức của trường mạnh thì mật độ các vụ tai nạn dày hơn.

    Đây có lẽ chưa phải là kết luận hoàn chỉnh về nguyên nhân các vụ tai nạn. Còn nhiều giả thiết đặt ra xung quanh những vụ tai nạn này, chẳng hạn như tại đường xấu, sức gió mạnh, vấp vào chướng ngại vật... Hoặc một số nhà quản lý giao thông cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc số lượng cầu dân sinh trên tuyến đường phát sinh gấp hai lần (54 tuyến) so với thiết kế ban đầu (20 tuyến).

    Nhưng có một điều khá thuyết phục là bằng phương pháp này, các nhà khoa học đã ứng dụng tìm được nguồn nước tại những vùng nước khan hiếm như ở Mộc Châu (Sơn La) phục vụ nông trường và khu dân cư. Đặc biệt đã tìm thấy nước trên độ cao hơn 600m so với mặt biển tại hai xã Ngọc Lân, Ngọc Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình gây sự chú ý trong công luận.

    Theo các chuyên gia Viện Địa chất - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì đây là phương pháp mới cần phải tiếp tục hoàn thiện, nghiệm thu đề tài để ứng dụng vào thực tiễn.

    Đối với những tai nạn trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, theo chúng tôi trong khi chưa có câu trả lời thuyết phục về nguyên nhân tai nạn, thì sự cẩn trọng trong đi đường là rất cần thiết nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

    Theo Công an nhân dân

    Ghi chú

    Working...
    X